Dân văn phòng chuộng mat xa cổ truyền
Liệu pháp massage cổ và mặt (còn gọi gua sha) giúp đả thông kinh mạch, giảm căng cơ và cải thiện tuần hoàn, được dân văn phòng ưa chuộng.
Trong đại dịch, người làm việc tại nhà thường xuyên phát triển các bệnh về thể chất như căng cơ, đau lưng, cổ và vai, tê bì chân tay, đau đầu hoặc đau nửa đầu. Nguyên nhân có thể do tư thế ngồi kém, vị trí máy tính không thuận tiện, giảm lưu thông máu do ít hoạt động thể chất.
Liệu pháp mat xa cổ truyền có thể giải quyết các tình trạng này. Theo bác sĩ y học cổ truyền Clara Chan, làm việc tại Oriental Health ở Hong Kong, để massage gua sha, cần có công cụ mỏng dẹt, có lưới để cạo hoặc vuốt nhẹ nhàng lên làn da.
"Kỹ thuật massage tác động vào lớp màng cơ, kết nối và hỗ trợ các cơ, giải phóng năng lượng tắc nghẽn. Đây là cách giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, liệu pháp này làm tăng lưu thông máu, thúc đẩy hệ thống thoát dịch bạch huyết và tăng cường sức khỏe làn da", bác sĩ Chan giải thích.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Chan tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đau cổ vai gáy, đau lưng, tê ngón tay. Sau buổi trị liệu đầu tiên, nhiều người giảm đau ngay lập tức. Họ quay lại điều trị thường xuyên để ngăn bệnh tái phát hoặc chuyển nặng hơn.
Các phân tích trước đó cho thấy massage gua sha là phương pháp hiệu quả. Nghiên cứu của Thái Lan năm 2014 chỉ ra rằng gua sha cải thiện phạm vi vận động, giảm đau cổ và vai ở những người dùng máy tính thường xuyên.
Nghiên cứu khác, công bố năm 2011 trên tạp chí Pain Medicine, cho thấy liệu pháp giúp giảm đau ngắn hạn ở người bị đau cổ mạn tính, đôi khi đi kèm chứng đau nửa đầu.
Gua sha có thể thực hiện chung với các phương pháp y học cổ truyền khác như giác hơi, châm cứu và thảo dược để điều trị những vấn đề của cơ thể, đồng thời giúp giải độc và hạ sốt. Một số người nhận thấy hình thức massage này thư giãn và giúp cải thiện tâm trạng.
"Gua sha có tác dụng nâng cơ mặt và tăng lưu thông máu, nó thường được sử dụng để làm mờ bọng mắt, căng da và xóa nếp nhăn", bác sĩ Chan nói.
Theo bà, liệu pháp này có từ khoảng 2,6 triệu năm trước. Người dân Trung Quốc sử dụng một loại đá gọi là bian với niềm tin có thể chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
"Chữa bệnh bằng đá là hình thức điều trị y tế lâu đời nhất của Trung Quốc, trước cả châm cứu. Người dân sử dụng đá bian để xoa bóp, vuốt ve cơ thể giúp giảm đau và nhiều triệu chứng khác", bà nói.
ác bác sĩ sử dụng các đồ vật khác có mặt phẳng tương tự bian, ví dụ đồng xu, thìa sứ, vật dụng từ gỗ hoặc sừng để cạo nhẹ, xoa bóp da của bệnh nhân.
Ngày nay, đã bian được thay bằng nhiều công cụ khác nhau về hình dạng, kết cấu và vật liệu, tiến sĩ Michelle Law, học viên về y học cổ truyền tại Trung tâm Sức sống Hong Kong, cho biết. Vật liệu phổ biến bao gồm thép không gỉ, sừng bò. Ngọc bích và các loại đá bán quý thường được sử dụng để massage mặt.
"Các công cụ được thiết kế phù hợp với những bộ phận khác nhau của cơ thể. Cạnh nhẵn cho phép chúng lướt qua vùng da một cách dễ dàng. Một số công cụ có đường viền căn chỉnh hoàn hảo với các đường cong tự nhiên của khuôn mặt và cơ thể", tiến sĩ Law cho biết.
Công cụ massage bằng sừng bò giúp giải nhiệt cơ thể, thạch anh hồng thúc đẩy tuần hoàn máu, ngọc bích giúp bình tĩnh và cân bằng cảm xúc.
Các chuyên gia lưu ý sau khi điều trị bằng gua sha, cơ thể có thể nổi mẩn đỏ hoặc vết thâm lốm đốm nhẹ trên da. Đây là các đốm xuất huyết, xảy ra khi có áp lực từ vật dụng, khiến các mao mạch nhỏ dưới da vỡ ra. Nó còn được gọi "vết ban cát", giống với các vết cạo gió, thường biến mất sau ba đến 7 ngày.
Từ các vết phát ban này, bác sĩ y học cổ truyền chẩn đoán được tình trạng sức khỏe người bệnh gặp phải. Theo tiến sĩ Chan, vết bầm màu đỏ tươi cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng ở khu vực cụ thể. Vết bầm tím hoặc đen báo hiệu tình trạng tắc nghẽn, ngưng trệ, ứ khí tại chỗ trong thời gian dài. Các vết bầm đỏ đậm cho thấy người bệnh bị nóng trong.
Một số người bị đau nhức hoặc căng cơ một thời gian ngắn sau khi điều trị bằng gua sha. "Gua sha tương đối không xâm lấn, nhưng nó có thể làm tổn thương da nếu dụng cụ hoặc lực tác động không phù hợp", tiến sĩ Chan nói.
Bà khuyến nghị không sử dụng liệu pháp này cho người dễ chảy máu, người đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến da, mạch máu.
"Nếu bạn bị nhiễm trùng, có khối u hoặc vết thương chưa lành hẳn, đã phẫu thuật cấy ghép các thiết bị trong cơ thể như máy tạo nhịp tim hay máy khử rung tim, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và chuyên gia y tế trước khi quyết định sử dụng gua sha", bà nói.